Khâm phục cô học trò xứ Nghệ với niềm đam mê môn Sử

Thứ tư - 25/04/2012 21:01
Từ sự quyết tâm học tốt môn Sử, cô bé nghèo “nghiện” những con số, sự kiện khô cứng của môn Lịch Sử và nỗ lực giành giải 3 Sử Quốc gia 2012.

Đó là Nguyễn Thị Hảo (HS lớp 11 Sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An). Tôi tình cờ gặp Hảo trong buổi lễ Vinh danh Học sinh giỏi Quốc gia môn Sử ở Văn Miếu, cô học trò quê Bác có khuôn mặt hiền, phúc hậu, trầm, hơi nhút nhát nhưng có một ý chí sắt đá, nỗ lực hơn người và niềm đam mê Sử không ngừng.
 
Cô học trò nhỏ, ít nói yêu thích môn Sử từ điểm thấp môn Sử thi học kỳ lớp 5. Từ đó Nguyễn Thị Hảo quyết tâm đam mê Sử đến cùng.

Quyết tâm giỏi Sử từ lớp 5

Lần đầu tiên ra Hà Nội, được đứng trên bục vinh quang nhận giải thưởng mang cấp quốc gia, cô học trò nhỏ nhắn Nguyễn Thị Hảo tỏ vẻ khá nhút nhát, ít nói và khiêm tốn. Khi hỏi về lý do đến với môn Sử, Hảo thỏ thẻ kể lại: “Từ lớp 5 em thi môn Sử được điểm thấp nhất (dưới 7 điểm), nên em chỉ đạt học sinh tiên tiến. Từ đó, em quyết tâm học giỏi Sử bằng bất cứ giá nào”. Kể từ năm đó, điểm môn Lịch sử Hảo luôn dẫn đầu lớp và luôn đạt thành tích học sinh giỏi của trường.

Quyết tâm học giỏi Sử để không bị điểm thấp – ý chí đó dần dần lớn lên trong suốt 4 năm học cấp 2, từ sự yêu thích những sự kiện, biến cố, những con số khô cứng biến thành niềm đam mê học Sử không ngừng. Đến lớp 9 Hảo may mắn giành giải Khuyến khích môn Lịch Sử của kỳ thi HSG tỉnh Nghệ An. Cơ hội đó khiến Hảo càng thêm cố gắng, nỗ lực theo đuổi đến cùng.

Để đỗ đại học, không phụ niềm tin của bố mẹ, Hảo một mình vượt 20 cây số, xin lên thành phố thi vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Ngọn lửa tình yêu Sử bùng cháy khi Hảo đỗ vào chuyên Sử. Mặc dù điểm thi vào lớp Chuyên Sử của Hảo thấp nhất lớp, nhưng không vì thế làm cô học trò nhụt chí, ngược lại Hảo phấn đấu hết mình và lớp 11 cô may mắn được lọt vào danh sách thi đội tuyển Quốc gia Sử qua hai vòng thi gay cấn ở trường.

Chia sẻ về phương pháp học Sử, Hảo cười xòa khiêm tốn nói: “Em cũng không có phương pháp gì đâu. Chỉ là trên lớp tập trung nghe thầy cô giảng, ở nhà tạo thói quen học Sử hàng ngày, nắm vững cách làm bài, vừa đọc vừa viết để nhớ lâu hơn”.

Hảo nói rằng không có bất kỳ cuốn sách tham khảo Sử của riêng mình, cũng không thể sử dụng vi tính để lên mạng tìm hiểu đọc thêm...Những cuốn sách nâng cao Lịch Sử Hảo học đều mượn từ thầy và bạn hay những chuyên đề ôn thi thầy giao.

Hảo kể rằng, cô giáo chủ nhiệm lớp 9 là thần tượng của Hảo bởi đó là người truyền tình yêu lịch sử đầu tiên, động viên em có thêm sức mạnh, niềm tin để theo đuổi môn Sử đến cùng.

Nghị lực phi thường của cô học trò xứ Nghệ

Nguyễn Thị Hảo sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con, ở vùng quê Nam Đàn, Nghệ An. Hảo là người con thứ 3, trên Hảo có 3 chị gái đã lấy chồng ở xa, tất cả dồn lên vai người bố là thương binh 2/4. Vì nhà không có điều kiện nên ba chị em Hảo đều không thể học đại học, Hảo là tia hy vọng và niềm tin cuối cùng của gia đình.

 
Cô học trò quê Nam Đàn hạnh phúc, tự hào khi được vinh danh và trao tặng bằng khen tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Đó là động lực để Hảo theo đuổi đến cùng niềm yêu thích môn Sử. (Hảo cùng thầy hiệu phó và thầy phụ trách đội tuyển Sử của trường).

“Cả gia đình trông chờ vào 6 sào ruộng trồng hoa màu, bố năm nay đã 58 tuổi, sức khỏe của bố không được tốt, cánh tay phải của bố không con cảm giác nữa, bàn tay bố không mở được ra. Còn mẹ bị loãng xương 5 năm nay, bệnh viện nói rằng không thể chữa được nữa, nên mẹ không làm được việc nặng”, Hảo bộc bạch.

Vì vậy, toàn bộ việc đồng áng trong nhà bố vẫn làm chính để nuôi mấy miệng ăn. Nhiều khi trái gió trở trời, mẹ bệnh bố đau yếu, Hảo thương bố mẹ chỉ biết cố gắng, nỗ lực để học thật giỏi để mang lại niềm vui nho nhỏ.

“Em đam mê học Sử, nhưng do hoàn cảnh gia đình không có nhiều điều kiện, nên bố mẹ đặt niềm tin vào em, mong em cố gắng hết sức chứ không đặt nặng quá nhiều sức ép vào kết quả”, Hảo chia sẻ về động lực giành giải 3 HSG Quốc gia Sử.

Hảo nhắc lại lời của bố trước khi Hảo lên đường đi thi: “Con đang học lớp 11, mình chưa học được nhiều, chỉ cần con cố gắng hết sức để không tiếc, con vẫn con cơ hội vào năm sau”. Nói đến đây, Hảo cười tươi, bảo rằng, bố là người rất tâm lý và luôn dành hết thời gian để con tập trung học tập.

Nỗ lực của cô học trò nghèo được đền đáp khi Hảo đạt giải cao nhất của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu trong kỳ thi Quốc gia môn Sử.

Đam mê không dừng với môn Sử

Khi nhận được kết quả thi vòng 2, Hảo không thể ngờ được mình là một trong 8 người đội tuyển Quốc gia Sử. Cô bé bật khóc! Những giọt nước mắt hạnh phúc.

 
Hảo được thầy cô và bạn bè nhận xét là người có nỗ lực, ý chí và lòng quyết tâm hơn người.

Lọt vào đội tuyển, Hảo dành trọn thời gian để ôn luyện, nhưng nhiều khó khăn vẫn còn đó, bởi em đang học lớp 11 và chỉ có 2 tháng để ôn thi chương trình Sử lớp 12.

Cảm phục tinh thần và ý chí nỗ lực vươn lên của cô học trò nhỏ, thầy Trần Trung Hiếu – phụ trách đội tuyển Sử Trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ: “Lực học của Hảo ban đầu vào đội tuyển là yếu nhất, bởi em đang học lớp 11. Trong quá trình học, Hảo thường tập trung cao độ nghe giảng, có ý thức học tập tốt nhất trong 8 em và tuân thủ phương pháp làm bài được dạy. Điều ghi nhận nhất là ý chí vượt khó, vượt khổ của bản thân em. Chỉ trong hai tháng em đã hoàn thành chương trình kiến thức lớp 12, đuổi kịp các anh chị và có kết quả tốt nhất trong kỳ thi HSG Sử vừa qua”.

Thầy Hiếu gọi Hảo là “cô học trò nghèo quê Bác”, thầy chân thật bộc lộ rằng có 2 điều đặc biệt nói về con đường dẫn đến môn Sử của Hảo là: Điểm đầu vào lớp 10 của Hảo thấp nhất lớp và Hảo là người có số điểm thấp nhất trong 8 học sinh lọt vào vòng HSG quốc gia.

“Trong đội tuyển có nhiều em có khả năng tốt hơn, tôi không nghĩ rằng Hảo có thể giành được giải cao nhất. Thật sự tôi bất ngờ và cảm phục ý chí bứt phá để giành giải 3 HSG QG duy nhất về cho trường. Đó là minh chứng sống cho sự nỗ lực, ý chí, nội lực của em và chứng tỏ rằng không có điều gì là không thể”, thầy Trung Hiếu tâm sự.

Khi hỏi về ước mơ của em, Hảo nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Cố gắng học sau này có nghề ổn định, giúp đỡ bố mẹ đỡ khổ”. Còn với niềm đam mê Sử, Hảo nói rằng nếu có cơ hội em muốn tiếp tục được nghiên cứu lịch sử bởi “Kiến thức là vô hạn, không bao giờ kiến thức Sử đối với em là đủ”. Hảo còn mong muốn được đứng trên bục giảng để truyền cho những thế hệ học sinh tình yêu và niềm tin đối với môn Sử.

Chia tay với cô học trò nhỏ, tôi thấy trong mắt em ánh lên niềm tin, ý chí như một lời khẳng định, năm sau em sẽ đoạt giải cao hơn nữa.

 
Theo Vietnamtimes.net.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  LIÊN KẾT WEBSITE

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay845
  • Tháng hiện tại39,140
  • Tổng lượt truy cập14,203,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây