Lịch sử và đặc điểm thành phố Vinh

Thứ tư - 11/04/2012 08:45
Thành Vinh đã hình thành như thế nào ? Tại sao Thành Vinh còn có tên Phượng Hoàng Trung Đô - Thành phố Đỏ - Thành phố bình minh - Thành phố đất học ?
Thư Thành Vinh

Ngay từ thời sơ khai của đất nước, Vinh đã là địa bàn thích hợp cho sự dừng chân và tụ cư của con người. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh điều đó bằng các kết quả khai quật và nghiên cứu. Trải qua biến thiên của lịch sử, vị trí của Vinh ngày càng quan trọng hơn, vì nó nằm trên con đường thiên lý xuyên Việt trong quá trình mở mang bờ cõi của tổ tiên ta. Rồi đến một ngày cuối năm 1788, dưới con mắt của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung, Vinh bỗng hiện ra: "Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thật là chỗ đẹp để đóng đô vâỵ" (thư Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp để nhờ chọn đất đóng đô). Và, Vinh đã trở thành Phượng Hoàng Trung Đô. Dù rằng, chưa được xây dựng hoàn tất do sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, nhưng Phượng Hoàng Trung Đô là một dấu son chói lọi trên chặng đường phát triển của đô thị Vinh. Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp đã sớm nhận ra vị trí đắc địa của Vinh và cho xây dựng Vinh thành một trong những đô thị công nghiệp vào loại lớn trong cả nước. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thể kỷ trước, Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều... Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân. Đó cũng là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng. "Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước..." Cao trào cách mạng 1930 - 1931 Xô Viết - Nghệ Tĩnh được châm ngòi từ đây. Không chỉ nổi tiếng là thành phố giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, Thành phố Đỏ anh hùng, Vinh như nó đã từng có mà còn được biết đến là một thành phố công nghiệp và thương mại. Hơn nữa Vinh là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá xứ Nghệ và sớm hình thành những giá trị của văn hoá đô thị. Thế nhưng, thành phố thơ mộng, thành phố có núi, ven bờ dòng sông Lam đã hai lần bị san phẳng. Lần thứ nhất là tiêu thổ kháng chiến khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1947); lần thứ hai là chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1972). Nhưng, từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh Vinh "đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn" (thơ Thạch Quỳ).

Ngày nay, Vinh được biết đến là một thành phố được quy hoạch tốt. "... Một không gian thông thoáng, đường phố rộng với nhiều toà nhà cao tầng, là những ấn tượng đầu tiên khi về với Vinh. Cốt cách của Vinh đã có từ xưa, một thành phố đẹp với nhiều trường học, nhà máy, bến tàu..." Đó là nhận xét của giáo sư, nhà văn Hà Minh Đức về thành phố Đỏ hôm nay. Trong công cuộc đổi mới Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng và quản lý đô thị. Với diện tích 64 km2, dân số 26 vạn người, thuận tiện về giao thông (đường sắt, đường bộ, đường không, đường thuỷ), lại giàu truyền thống lịch sử, Vinh không những là tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An, mà còn là một đô thị loại II, một trung tâm của khu vực Bắc - Trung bộ.

Tuy vậy, so với tiềm năng và lợi thế, Vinh vẫn chưa phát triển đúng tầm, hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng, Vinh luôn như một lời chào, một lời mời mọc, không chỉ là điểm dừng chân, Vinh còn là nơi lập nghiệp. Thành phố bên dòng sông Lam, thành phố bình minh, lộng gió và ánh sáng luôn hướng mọi người nghĩ về phía trước, nghĩ tới tương lai.

Từ Phượng Hoàng Trung Đô đến Thành phố Đỏ

Thành phố Vinh thuộc vùng kẻ Vang hoặc kẻ Vịnh ngày xưa. Chữ Vinh là gọi chệch từ chữ Vịnh. Cách đây hàng ngàn năm, người Việt cổ đã sinh sống trên vùng đất này khá đông đúc. Việc tìm thấy hai trống đồng thuộc thời đại Hùng Vương (cách đây 4.000 năm) dưới chân núi Quyết mà hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Nghệ An đã chứng minh điều đó.

Là vùng đất có núi bao bọc lại nằm cạnh Biển Đông, Vinh có một vị trí đặc biệt. Các Vua Đinh, Lê, Lý, Trần đều chú ý đến Vinh và đã cử các tướng tài vào đây trấn giữ. Nhưng đến thế kỷ XV dưới thời Lê Lợi và Nguyễn Trãi thì vùng Vinh mới thực sự được quan tâm đặc biệt. Trong sách "Dư địa chí" Nguyễn Trãi cho rằng đây là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi xứ Nghệ. Vì vậy năm 1428, sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi đã cử ngay vị tướng tài là Đinh Quốc Công Thần Nguyễn Xí vào đóng đại bản doanh ở Vinh.

Thế kỷ XVII thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Ninh Quận Công Trịnh Toàn nhiều năm đã đóng đại bản doanh ở Núi Quyết. Huy động nhân dân và binh lính xây thành ông Ninh, đào kênh nối sông Cồn Mộc (tức sông Vinh) với sông Lam.

Năm 1786, sau khi đập tan quân Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp Chúa Trịnh đã bỏ đường Thượng đạo mà đi theo đường Gián đạo (qua khe Bãi Vọt sang Lam Thành) đã phát hiện vùng đất Yên Trường (Vinh bây giờ). Sau khi dẹp tan quân Trịnh, thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ đã nghĩ ngay đến việc tìm một vùng đóng đô khác mà có thể khống chế được cả trong Nam, ngoài Bắc. Đầu tiên ông định chọn vùng Phù Thanh (phía dưới núi Thành ven sông Lam) nhưng thấy vùng đất này thường hay bị lũ lụt làm sạt lở, cho nên ngày 03/09 năm Thái Đức XI (tức ngày 01/10/1788) Quang Trung viết chiếu gửi cho Nguyễn Thiếp chọn Yên Trường xây dựng kinh đô. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đến vùng Yên Trường thị sát chọn vùng đất giữa núi Quyết và núi con Mèo (Kỳ lân) vì thấy nơi đây là đất "thiêng" hội tụ đầy đủ bốn con vật thiêng mà cha ông đã ngàn đời tôn vinh thờ cúng là: Long - Ly - Quy - Phượng để xây thành gọi là thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Phượng Hoàng Trung Đô có 2 lần thành gọi là thành Nội và thành Ngoại hình thang, chu vi dài 2820m; diện tích: 22 ha. Phía ngoài có hào rộng 3m, sâu 3m thành cao 3 - 4 m. Thành nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi gần 1680 m cao 2m, cửa lớn mở ra hai hướng tây và đông. Trong thành nội có toà lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái hoà dùng cho việc thiết triều. Sách "La Sơn phu tử" nói rõ thêm: Núi Mèo (tức Kỳ Lân) làm nền cho đồn gác, thành phía Nam chấp vào núi ấy. Mặt đông bắc lấy núi Quyết (Phượng Hoàng) làm thành. Cũng theo sách "La Sơn phu tử", về kích thước của thành Ngoại, ngoài các vách núi làm bức luỹ tự nhiên, còn phải đắp bờ thành nam dài 300m, bờ thành tây dài 450m. Bề đứng ở những đoạn phải đắp cũng rất cao vì để hài hoà với vách núi.

Đúng là vua Quang Trung đã ngự triều ở đây. Trong thư gửi Nguyễn Thiếp (03/10/1789), nhà vua viết: "Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, Tiên sinh hãy ra đây giúp nhau mà trị nước". Kinh đô ở Yên Trường tuy còn sơ sài nhưng thực sự đã được xây dựng. Lấy tên là Phượng Hoàng Trung Đô.

Nhưng sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi. Sau khi vua Quang Trung băng hà, Quang Toản lên ngôi không chèo chống nổi cơ đồ trước lực lượng phục thù của Nguyễn Ánh có tư bản Pháp giúp sức. Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long đã huỷ bỏ không thương tiếc bất cứ cái gì triều Tây Sơn tạo dựng. Lên ngôi năm trước thì năm sau (1803) Gia Long cho xây ở Yên Trường đình Hội Đồng và cho trùng tu nâng cấp nhà Văn Thánh, cho xây Trường Thi Hương. Sau đó, năm Giáp Tý (1804) Gia Long ra chỉ dụ cho dời trấn Nghệ An về đóng tại làng Vĩnh Yên, tức Vĩnh Thành. Ban đầu thành chỉ đắp bằng đất, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mới được xây bằng đá theo kiểu vô băng. Đến thời Tự Đức (1847-1883) được sửa sang lại.

Vĩnh Thành (thành phố Vinh ngày nay) là nơi hội tụ khí thiêng sông núi (như Nguyễn Trãi nhận định), hội tụ triết lý nhân văn. Đó là đặc điểm có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đô thị Vinh sau này. Đô thị Vinh lớn về tầm, về thế, vì nó có Bến Thuỷ, lấy tên gọi từ một đồn Thuỷ dưới thời Lê. Về tên gọi “Vinh” nguyên do là do con sông Vĩnh Giang (sông Vinh ngày nay) chảy cạnh thành phố, tiếng Latinh không dùng dấu thanh điệu nên “Vĩnh” hay “Vịnh” được biến thành “Vinh”.

Triều đình Nhà Nguyễn thối nát đầu hàng thực dân Pháp, ngày 20 tháng 7 năm 1885, Sa - mông (Chaumout) đổ bộ 188 lính Pháp lên Bến Thuỷ hợp lực với Mi - nhô (Mignot) từ Hà Nội vào và Bec-tơ-nô (Bretnaut) từ Hà Tĩnh ra chiếm Vinh - Bến Thuỷ rồi mở rộng ra cả Nghệ - Tĩnh. Các nhà doanh nghiệp đã dựa vào lưỡi lê và họng súng đặt tại Bến Thuỷ cơ sở đầu tiên của nền thương mại tư bản: Cửa hàng thu mua gỗ; dựng ở Bến Thuỷ, Trường Thi những cơ sở sản xuất công nghiệp: nhà máy diêm, nhà máy chế biến gỗ, nhà máy điện, nhà máy xe lửa, cảng sông… Các nhà máy, cơ sở thương mại mọc lên ngày càng nhiều, Vinh - Bến Thuỷ trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Miền Trung.

Đồng thời với việc mở mang khu công nghiệp, kinh doanh, thương mại là chính sách khai thác vơ vét thuộc địa và sự cai trị hà khắc. Những người lao động làm thuê bị bóc lột nặng nề. Họ đã sát cánh bên nhau vùng lên tranh đấu. Lúc này một số thanh niên tân học yêu nước, một số cựu chính trị phạm từ Côn Đảo về đã họp tại núi Con Mèo tuyên bố thành lập Hội Phục Việt (sau này đổi tên là Đảng Tân Việt). Đây là tổ chức cách mạng ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Hội Phục Việt đã gây được ảnh hưởng trong công nhân, học sinh, dân nghèo thành thị và một số vùng nông thôn lân cận.

Mùa hè năm 1929, những phần tử tích cực trong Hội Thanh niên tách khỏi cơ quan Tổng bộ của họ ở Quảng Châu (Trung Quốc) về nước phát tuyên ngôn lập ra Đông Dương cộng sản đảng (17/6/1929). Tháng 9 năm 1929, Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh) uỷ viên Trung ương kiêm bí thư xứ uỷ Trung Kì lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng vào Vinh cùng Trần Văn Cung (uỷ viên chấp hành xứ uỷ lâm thời) chỉ đạo phong trào ở Vinh - Bến Thuỷ, vận động thống nhất các tổ chức cộng sản vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 20 tháng 3 năm 1930, tại Vinh, xứ uỷ tổ chức họp bầu ra Ban chấp hành tỉnh bộ Nghệ An đồng thời cũng bầu ra ban chấp hành Tỉnh bộ Đảng cộng sản Việt Nam thành phố Vinh - Bến Thuỷ, thực chất Tỉnh bộ này là Thành uỷ Vinh - Bến Thuỷ. Tỉnh bộ Vinh đã chỉ đạo phát triển được nhiều chi bộ Đảng ở các nhà máy, phường, xã lân cận, lãnh đạo công nhân đi từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác mà đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931, gắn với cuộc biểu tình 01/05/1930 lịch sử. Cùng với các chi bộ Đảng, các tổ chức mang biệt danh “Đỏ”: Công Hội đỏ, nông hội đỏ, xích vệ đỏ, rồi làng đỏ (Yên Dũng). Thành phố Vinh mãi mãi rạng danh với tên gọi Thành phố Đỏ anh hùng.

Cuộc biểu tình 1-5 bị dìm trong bể máu, phong trào Xô Viết tạm lắng xuống, nhưng ngọn lửa quật khởi của nó thì mãi mãi cháy sáng trong lòng người dân Thành phố Đỏ, họ hăng hái tập hợp quanh lá cờ Đảng, Mặt trận Việt Minh vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 21 tháng 8 năm 1945, rồi hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch ngày 7 tháng 2 năm 1947, tiêu thổ để kháng chiến và góp phần to lớn vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước nhà độc lập. Ngày 24-01-1946 Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh số 2 tạm coi Vinh là Thị xã. Không bao lâu sau đó, Thực dân Pháp trở lại xâm lược, cùng với cả nước, nhân dân Thị xã Vinh hướng về miền Nam “Thành đồng tổ quốc”. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phá hoại để kháng chiến”, Vinh đã “tự chặt cánh tay mình” hy sinh vì nghĩa lớn, để cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên phủ vĩ đại 7 – 5 – 1954 “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đế quốc Mỹ gây chiến ở miền Nam, đất nước chia thành 2 miền Nam-Bắc, miền Bắc vững vàng đi lên chủ nghĩa xã hội để chung sức với miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhân dân thành phố Vinh trở về xây dựng lại quê hương. Thành phố nhanh chóng hồi sinh dưới bàn tay và khối óc của những người con xứ Nghệ.

Ngày 28-12-1961, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 32 về việc thành lập Thành phố Vinh. Ngày 10-10-1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 148/CP thành lập Thành phố Vinh. Vinh lúc này được coi là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Vinh bị tàn phá nặng nề. Nhưng quân và dân Thành phố “luôn phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng” hiên ngang, anh dũng, quật cường, đánh bại hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964-1968; 1969-1972), cùng với các địa phương khác của miền Bắc làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với miền Nam, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Vinh được các chuyên gia Cộng hoà dân chủ Đức giúp đỡ quy hoạch lại “khang trang hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Ngày 1-5-1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại Thành phố. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 20 năm đổi mới vừa qua, Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cơ sở hạ tầng được xây dựng vững chắc, hệ thống giao thông phát triển. Nhiều công trình kinh tế, kỹ thuật, văn hoá lớn được xây dựng, nhiều khu đô thị mới đã mọc lên. Kinh tế phát triển ổn định, thường xuyên giữ mức tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đợc cải thiện, nâng cao.

Ngày 13-8-1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận Vinh là đô thị loại II.

Ngày 30-9-2005, Chính phủ ban hành Quyết định 239QĐ-CP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Vinh trở thành đô thị trung tâm Bắc Trung bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI và Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XXI xác định mục tiêu xây dựng Vinh trở thành đô thị loại I vào năm 2010 hướng tới đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.

Vinh đã và đang trên đường trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, xứng đáng là quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, quê hương Bác Hồ muôn vàn kinh yêu.

Vinh – Thành phố bên dòng sông Lam

Vinh có toạ độ địa lý từ 18o38’50” đến 18o43’38” vĩ độ Bắc, từ 105o56’30” đến 105o49’50” kinh độ Đông, cách Hà Nội 295 km (về phía bắc) và cách Huế 350 km; Đà Nẵng 472km; Thành phố HCM 1447km (về phía nam).

Từ Vinh có thể thuận lợi đi đến Lào (qua ba cửa khẩu: Cầu Treo, Thanh Thuỷ và Nậm Cắn) và các tỉnh vùng đông bắc của Thái Lan. Hoàn toàn có thể nghĩ đến việc từ Viêng Chăn (Lào) hay các tỉnh đông bắc Thái Lan, du khách đến nghỉ cuối tuần tại thành phố Vinh hay tắm biển ở Cửa Lò. Đến Vinh cũng xem như đã đến thị xã biển Cửa Lò (15 km); Kim Liên - quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh (12 km); Tiên Điền, Nghi Xuân - quê hương đại thi hào Nguyễn Du (10 km) cùng với các địa danh nổi tiếng khác ở quanh vùng.

Địa hình Thành phố Vinh được kiến tạo bởi hai nguồn phù sa, đó là phù sa Sông Lam và phù sa của biển. Sau này Sông Lam đổi dòng chảy về mạn Rú Rum, thì miền đất này còn nhiều chỗ trũng và được phù sa bồi lấp dần. Địa hình bằng phằng và cao ráo nhưng không đơn điệu. Nét độc đáo của Thành Vinh được khẳng định bởi Núi Quyết, sông Lam và sông Vinh thơ mộng. Núi Quyết nằm ven bờ sông Lam ở phía đông thành phố. Núi dài trên 2km, đỉnh cao nhất 101,5m,đây là địa danh gắn liền với Phượng Hoàng Trung Đô, với sự nghiệp lẫy lừng của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung. Khu vực này hiện còn nhiều dấu tích về một thời Vinh được chọn để xây dựng đế đô. Ngày nay Núi Quyết quanh năm bạt ngàn thông xanh. Với dự án Lâm viên đang từng bước được xây dựng, núi Quyết hứa hẹn là viên ngọc xanh giữa lòng thành phố Đỏ. Về phía nam và đông nam, thành phố được ôm ấp bởi hai dòng sông. Sông Vinh là con sông nhỏ, phát nguyên từ dưới chân núi Đại Huệ, về Vinh nó chảy qua các phường Cửa Nam, Vinh Tân, Hồng Sơn và Trung Đô. Đặc biệt nó chảy qua sát chợ Vinh, tạo nên một khung cảnh trên bến dưới thuyền tập nập. Về Bến Thuỷ, sông Vinh đổ vào sông Lam để chảy ra biển cả. Sông Lam (sông Cả) là con sông lớn nhất tỉnh Nghệ An, về với thành phố Vinh đã gần biển, dòng sông rộng ra, dùng dằng, chậm rãi chảy ra biển cả. Sông Lam, sông Vinh, núi Quyết, cảng Bến Thuỷ, bến phà cũ gặp nhau nơi đây tạo nên một thắng cảnh đắc địa vào bậc nhất xứ Nghệ. Du khách từ miền Nam ra không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh hùng vĩ: Núi Quyết, cầu Bến Thuỷ soi mình trên dòng sông Lam, xa xa ống khói nhà máy điện vươn lên sừng sững và thành phố thấp thoáng sau những hàng cây xanh…

Với Dự án đường Du lịch ven sông Lam dự kiến hoàn thành vào 19/5/2006 chào mừng Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ cầu Bến Thuỷ du khách theo dòng sông Lam chỉ vài ba chục phút đã có thể ra đến biển. Với vị trí và lợi thế riêng, Vinh đang có thật nhiều hứa hẹn với tương lai.

Các chuyên gia thuộc tổ chức định cư con người của Liên hợp Quốc (Habitat), trong chương trình nghị sự 21 đã định nghĩa Vinh là:

        Một thành phố ven sông.
        Một thành phố màu xanh.
        Một thành phố trung tâm bắc Trung Bộ.
        Một thành phố năng động.
        Một thành phố công nghiệp và dịch vụ du lịch.
        Một thành phố trẻ.

Còn người dân thành phố Vinh thì gọi thành phố quê hương của mình là “Vinh - Thành phố bình minh”.

Thành Vinh - Đất học

Người ta thường nói “Nghệ an - Đất học” là để khẳng định về truyền thống hiếu học và học giỏi của người xứ Nghệ xưa nay. Sau những năm tháng khó khăn chuyển mình từ thời bao cấp sang cơ chế thị trường việc học nay đang trở lại hưng thịnh. Thành phố Vinh - tỉnh lị của Nghệ An đang tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học ấy. Toàn dân chăm lo cho việc học; trong gia đình, người đi học là người được ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Nghị quyết TW2 (Khoá VIII) về Giáo dục - Đào tạo như một luồng gió mát lành thổi vào Thành phố miền Trung thừa nắng gió này.

Với diện tích 64,7km2, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1 trường đại học, 2 trường Cao đẳng, nhiều trường THCN - trung tâm Dạy nghề và 75 trường học từ bậc học phổ thông tới ngành học Mầm non. Trường Đại học Sư phạm Vinh là trường ĐHSP thứ 2 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành đã trở thành một trường Đại học đa ngành với cơ sở vật chất ngày càng khang trang, bề thế. Trường CĐSP Kĩ thuật Vinh đang từng bước thực hiện đề án nâng cấp thành trường Đại học Kĩ thuật của khu vực.

Các trường Trung học Y tế, Trung học Văn hoá Nghệ thuật trong tương lai không xa cũng sẽ trở thành trường Cao đẳng. Trung tâm KTTH - Hướng nghiệp sẽ là trường THPT kĩ thuật… Cùng với hệ thống các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề và trung tâm giải quyết việc làm đã giúp cho đào tạo nghề có bước phát triển khá. Bậc học phổ thông không ngừng phát triển. Tỉ lệ huy động học sinh vào lớp 1, lớp 6 đạt cao.

Thực hiện đa dạng hoá các loại hình đào tạo, ngoài hệ thống trường công lập, thành phố có 24 trường bán công, 6 trường dân lập và 2 trường tư thục. 100% các trường Tiểu học đều tổ chức được lớp bán trú. Cơ sở vật chất phục vụ dạy - học được tăng cường. Nhiều trường học khang trang sạch đẹp xuất hiện xứng với tầm vóc thành phố đô thị loại II. Hiện nay có 9 trường đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Thành phố đang thực hiện để năm học tới có thêm 5 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1, 3 trường đạt chuẩn giai đoạn 2 và đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất cho ngành học mầm non. Đa dạng hoá các loại hình đã tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng được nhu cầu chọn lựa hình thức học tập cho nhân dân thành phố.

Năm 2000 thành phố đã được công nhận đạt phổ cập Tiểu học, hiện nay đã hoàn tất công tác phổ cập THCS. Chất lượng đào tạo của thành phố luôn được xếp thứ nhất - là đơn vị Lá cờ đầu của Tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện đảm bảo, chất lượng mũi nhọn không ngừng được chú ý.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nay đang viết tiếp trang sử của Trường Quốc học Vinh xưa. Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là trường đã có “danh” trong ngành giáo dục cả nước. Trường THCS Đặng Thai Mai (trường Năng khiếu thành phố trước đây) là điểm sáng về chất lượng mũi nhọn và cũng là nơi cung cấp nguồn học sinh cho trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Những học sinh “trường Phan” đã từng tham dự và đạt giải cao tại các kì thi Quốc tế như Phan Huy Tú (giải Nhì Toán 1993 - Thuỵ Điển), Nguyễn Cảnh Hào (giải Nhì Toán 1997- Achentina), Đào Anh Đức… đều là học sinh trường Đặng Thai Mai. Mới đây, năm học 2001- 2002, em Đào Thanh Hải - học sinh trường Phan đạt giải nhì môn hoá học và 2 em Phạm Thái Khánh Hiệp, Mai Thanh Hoàng (khối Chuyên Đại học Vinh) đạt giải Ba toán Quốc tế đều là những cựu học sinh trường Đặng Thai Mai. Nhà văn hoá thiếu nhi Việt - Đức (trước đây là nhà Văn hoá thiếu nhi Ten-Lơ-Man) một cơ sở phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cũng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Tháng 8/2002, em Nguyễn Thị Hà Phương vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận Huy chương Vàng của Ban tổ chức cuộc thi “Nhật kí bằng tranh - ENNIKI” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cũng trong tháng 8 ấy, Hà Phương lại đoạt thêm một Huy chương Vàng nữa trong cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế với chủ đề “Ngôi nhà trẻ thơ” tổ chức tại Thiên Tân - Trung Quốc.

“Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi”, trường THPT chuyên Phan Bội Châu có 31 giáo viên có trình độ sau Đại học; trường Đặng Thai Mai có 8 thạc sĩ… Toàn thành phố có tỉ lệ giáo viên đạt trên chuẩn cao: Bậc THCS có 72,6%; Tiểu học có 62,8%. Năm 2002 có thêm 4 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. “Học, học nữa, học mãi” (Lê Nin), Thành Vinh nay đã và đang tiếp tục để hoàn thiện hơn hệ thống giáo dục, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp xúc với nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Thành phố đang ấp ủ trong lòng nhiều dự định, ước mơ. Tất cả những dự định, ước mơ ấy đều quy về một mối: Xây dựng thành phố Vinh văn minh, giàu mạnh!

Tác giả bài viết: Ban lịch sử thành phố Vinh - 2006

Nguồn tin: Trường THCS Đặng Thai Mai

 Từ khóa: thành phố

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  LIÊN KẾT WEBSITE

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập46
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay2,353
  • Tháng hiện tại50,570
  • Tổng lượt truy cập13,965,784
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây