Hiện nay đang nổi lên hiện tượng nữ sinh cấp II, cấp III đánh nhau hội đồng, bắt lột quần áo, quay clip và tung lên mạng. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ lại coi đó là “mốt”. PGS.TS Mai Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ, ngành Sinh học ĐH Giáo dục, đã có những lí giải sâu trên góc độ chuyên môn nhân trắc học về “trào lưu” này.
Trẻ hóa độ tuổi đánh nhau
- Thưa PGS.TS Mai Văn Hưng, ông có thể chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các bạn học sinh nữ đánh nhau hội đồng?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Việc đánh nhau không có gì mới, từ rất lâu học sinh đã đánh nhau, bây giờ và sau này cũng vẫn thế. Tuy nhiên tùy theo từng giai đoạn xã hội mà hiện tượng này lúc nhiều, lúc ít.
Bản chất của đánh nhau là một trong những hành vi nhằm giải toả các bức xúc nội tại trong mỗi con người khi gặp phải hoàn cảnh bất lợi. Việc này thường xảy ra khá phổ biến ở những người có nguồn năng lượng dồi dào và thuộc loại hình thần kinh “mạnh, không cân bằng”. Những học sinh thuộc nhóm này thường dễ giải quyết mâu thuẫn bằng việc đánh nhau.
Thiếu sân chơi lành mạnh giúp giải phóng “năng lượng” là một nguyên nhân gây nên bạo lực học đường. Từ lâu trường học chỉ còn biết dạy về văn hoá, mà quên đi nhiệm vụ giáo dục nhân cách con người hoặc giáo dục theo kiểu khẩu hiệu vô trách nhiệm. Phải luôn nhớ rằng học với mục đích cao cả là giúp con người thích ứng với cuộc sống chứ không phải để trả bài cho thầy qua các bài kiểm tra.
- Ông có thể lí giải hiện tượng đánh nhau và quay clip hiện nay lại chủ yếu là các bạn nữ?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Thực tế cho thấy học sinh nam thường đánh nhau nhiều hơn học sinh nữ, vì thế nó trở thành phổ biến và không gây sự chú ý cao. Trong khi đó học sinh nữ đánh nhau thường không nhiều, chính điều này lại gây nên sự tò mò chú ý của mọi người xung quanh.
Tuổi dậy thì của học sinh đã sớm hơn (khoảng 11 đến 13 đối với nữ, 14 đến 16 đối với nam). “Sự chín sớm” này dẫn đến mâu thuẫn giữa sinh lý và tâm lý, là một trong những nguyên nhân của các biểu hiện tâm lý không bình thường trong đó có “đánh nhau”.
Một số học sinh nữ còn coi đánh nhau là cơ hội để gây thu hút người khác giới và quảng bá mình như những “hot girl” học đường. Kết hợp với hành động đánh nhau còn có hiện tượng lột áo. Thực chất của hành vi này là thoả mãn sự hiếu kỳ tính dục.
Vấn đề bình đẳng giới đang được giới trẻ hiểu lệch lạc, một bộ phận học sinh nữ coi bình đẳng là “bằng nhau” nên họ muốn khẳng định mình không kém gì học sinh nam và đặc biệt nhiều học sinh nam đã hưởng ứng cổ vũ cho trào lưu này nên nữ sinh càng có động lực để nuôi dưỡng những hành động bạo lực.
Internet là loại hình truyền thông được sử dụng quảng bá thông tin rộng rãi nhất và đặc biệt không tốn kém, chính sự thuận tiện đã đáp ứng tốt các mục đích trở thành người nổi tiếng của nhiều học sinh nữ. Chính những điều trên đã khiến cho các bạn nữ đánh nhau nhiều hơn.
Chưa thể đánh giá mức độ bạo lực trong giới trẻ
- Thưa ông, liệu rằng những clip chúng ta xem đã phản ánh hết hiện tượng đánh nhau hay chưa ạ?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Tất nhiên là chưa bởi hiện tượng này muốn tìm hiểu kỹ càng và chính xác đòi hỏi các nhà giáo dục phải có những nghiên cứu khoa học, khách quan khi tìm hiểu hiện tượng từ đó mới có thể đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp và tối ưu nhất.
- Trước đây, chúng ta thấy nhiều clip đánh nhau là các bạn học sinh cấp 3, nhưng hiện nay dường như có sự trẻ hóa? Ông lí giải sao về điều này?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Đơn giản vì đó là do hiện tượng dậy thì sớm kéo theo những thay đổi tâm sinh lý.
- Ông đánh giá như thế nào về những bạn học sinh đứng xem, cổ vũ?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cảnh báo thói vô cảm trong xã hội bằng một đề thi môn Văn vào đại học cách đây 2 năm. Học sinh đứng xem cũng chỉ là một hậu quả tất yếu của hiện tượng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người lớn hiện nay.
- Theo ông, với hiện tượng học sinh đánh nhau như hiện nay thì trách nhiệm chính thuộc về ai?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Vấn đề này quá lớn đòi hỏi phải có nghiên cứu chứ không thể nói là tại ai được, tuy nhiên việc này chắc chắn thuộc về người lớn rồi.
- Vậy theo ông, nên có hình phạt như thế nào với các bạn đánh nhau, quay video?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Hình phạt là biện pháp cuối cùng khi giáo dục “bó tay”, nhưng cũng là cần thiết, theo tôi trước khi đưa ra các hình phạt phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, động cơ, thái độ, có bàn tay của người lớn phía sau không… khi đó mới có các hình phát thích hợp.
- Vai trò giáo dục nhân cách của nhà trường đã thực hiện được một cách đúng, trúng và đầy đủ hay chưa thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Hưng: Về cơ bản là giáo dục đúng rồi nhưng trúng thì chưa trúng lắm. Các trường học của chúng ta đang còn thiếu các bác sỹ tâm lý với chức năng tư vấn học đường. Sắp tới chương trình tư vấn học đường cần phải được đưa vào học đường nhiều hơn mới được coi là đầy đủ.
Trân trọng cảm ơn ông!