Trường THCS Đặng Thai Mai - TP. Vinh - Nghệ An

https://thcs-dangthaimai-tpvinh.edu.vn


Chàng sinh viên khuyết tật vượt lên nỗi đau số phận

Bị teo cơ bẩm sinh, lại sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, Trần Bà Trường đã vượt qua tất cả những khó khăn ấy để theo đuổi ước mơ trở thành một nhà kinh doanh - nơi có thể phát huy tài năng của những người khuyết tật.

Tôi đến Ký túc xá trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào một chiều tháng tư nắng gắt. Gặp Trường trong một căn phòng khá chật, hơi tối. Cậu sinh viên vui vẻ chào đón tôi bằng một nụ cười thân thiện rồi chia sẻ với tôi về những bi kịch trong cuộc đời mình.

Đi học bằng nạng vẫn thi đậu đại học

Có lẽ hình ảnh một chàng sinh viên hàng ngày vẫn đến giảng đường nhờ đôi nạng gỗ đã quá quen thuộc với các bạn sinh viên trường Bách khoa. Chàng sinh viên đó được sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Trường kể rằng, có thể do số phận em đã được định từ trước, khi mẹ em mang thai khoảng 6 – 7 tháng thì bị sốt. Lúc ấy, cơ sở y tế kém phát triển nên vô tình mẹ em đã uống kháng sinh, và có thể đó là lý do chính khiến em - đứa con trai đầu lòng của ba mẹ bị bệnh teo cơ bẩm sinh. Đôi chân của em ngày càng teo lại. Những sinh hoạt hàng ngày khó khăn. Bị teo cơ bẩm sinh cũng chẳng khác gì "lời nguyền" của số phận, thế nhưng cậu sinh viên ấy đã vượt lên mọi mặc cảm, phấn đấu nỗ lực để được đứng trên giảng đường đại học hôm nay, được hòa nhập vào cuộc sống sinh viên như bao bạn bè khác.

Là một người bình thường đi học xa nhà đã là khó khăn, đối với Trường lại càng khó khăn hơn. Ngay từ khi được sinh ra, hiểu được những bất công của tạo hóa, em đã luôn cố gắng, ngoài việc học thật giỏi thì Trường còn giúp đỡ ba mẹ những việc vừa sức. Là một người có tinh thần cầu tiến, sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ, Trường luôn nghĩ rằng mình cũng giống bao bạn bè bình thường khác: Họ làm được những gì bản thân Trường cũng nỗ lực, cố gắng để đạt được giống các bạn, không muốn thua kém bạn bè. Đối với Trường, tư tưởng độc lập, tự chủ luôn thường trực trong suy nghĩ, là người bộc trực, thẳng thắn, đặc biệt là tinh thần cầu tiến cao độ.

Từ những năm học cấp 1, cấp 2, việc học của Trường khó khăn, tuy nhiên lúc này ba mẹ luôn đưa đón chu đáo để em không phải bỏ học buổi nào. Cứ như vậy, từ những yêu thương, chăm sóc của ba mẹ, bạn bè, người thân Trường học lên dần và luôn luôn là tấm gương mẫu mực để bạn bè noi theo.

Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, ba mẹ làm ruộng, bản thân Trường đi học xa nhà là một bất tiện, khiến ba mẹ không yên tâm. Có những lúc vì thương ba mẹ vất vả, và suy nghĩ về hoàn cảnh của mình Trường đã chán nản. “Năm lớp 9, em đã có tư tưởng bỏ học. Đó là lúc tư tưởng em yếu nhất, em cảm thấy chán nản và không muốn cố gắng nữa, vì nhiều lý do, quan trọng nhất vẫn là em thấy quá vất vả khi ba mẹ phải thay nhau đưa đón em đi học, những lúc trời nắng, đường xa...”, Trường tâm sự.

Cuối cùng, chính vì những lời động viên, an ủi và cũng chính những lúc chán nản, khó khăn nhất em luôn nghĩ đến ba mẹ, những cô gắng của ba mẹ giành cho mình. Và ý nghĩ phải trả ơn ba mẹ là động lực giúp em bước tiếp trên con đường đầy chông gai. Những năm học cấp 3, Trường đi học cùng em trai ít hơn một tuổi, hai anh em đèo nhau đi học, để ba mẹ không cần phải lo lắng đón đi đón về, đó cũng là niềm vui nho nhỏ mà em cảm thấy mình đã phần nào giúp đỡ ba mẹ chuyên tâm vào công việc. Có những lúc Trường đi nhờ xe của bạn. Cứ thể, tuổi học trò của em trôi qua thật nhanh. Em đã có thể tự lập từ năm lớp 11, khi bắt đầu lên thành phố dự thi trường chuyên, đó cũng chính là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Trường.

Năm lớp 12, Trường đăng ký dự thi vào khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày em nhập trường cũng là ngày không những bản thân em mà ba mẹ đều có những nỗi lo chồng chất nỗi lo. Nhưng bản thân là một người thích tự lập, luôn nghĩ rằng mình cũng giống như bao bạn bè khác, là động lực giúp Trường cố gắng để vượt qua số phận, đó chính là tư tưởng luôn ổn định trong mọi suy nghĩ của Trường.

Niềm đam mê kinh doanh và công nghệ thông tin

Từ những năm học cấp 2 Trường đã có ước mơ trở thành một bác sỹ, một lý do dễ hiểu là em muốn tìm ra nguyên nhân cũng như cách chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo và muốn giúp đỡ mọi người có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, nhưng năm cấp 3, ước mơ ấy đã được thay đổi bởi, Trường nhận ra rằng mình không hợp với nghề Bác sỹ, bởi việc đi lại khó khăn. "Em nghĩ đến một ước mơ thiết thực hơn, là trở thành một nhà kinh doanh hoặc chuyên ngành về công nghệ thông tin, em bắt đầu tìm hiểu về công nghệ thông tin, sự liên kết, đào tạo, và nghĩ rằng mình hợp hơn với ngành này, em quyết định thi vào khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Bách Khoa Hà Nội", Trường bộc bạch.

Ngày Trường đỗ Đại học, đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Tuy rằng, với sức học và khả năng đoán chắc em biết mình sẽ đỗ, tuy nhiên, điều thực sự đến lại là một niềm vui rất lớn. Đó không chỉ là niềm vui của riêng bản thân Trường mà còn là những nỗ lực, công sức của ba mẹ đã đóng góp cho thành công đầu tiên trong đường đời của em. Niềm vui chỉ thực sự là niềm vui lớn khi nó là niềm vui của ba mẹ, của người thân và những người bạn đã luôn động viên, an ủi Trường.

Lên Đại học, hàng ngày Trường phải đi bộ hơn nửa cây số, có những lúc giảng đường ở trên tầng cao, em đã phải rất khó khăn để lên được lớp học, có những lúc mệt vì sức khỏe yếu Trường cũng rất nản. Hàng ngày để đến được lớp học, Trường phải nhờ cậy vào đôi nạng gỗ, có những lúc leo bốn tầng cầu thang đã khiến em mệt rã rời, thậm chí có những lúc em không muốn đến lớp. Nhưng rồi Trường đã cố gắng phấn đấu, nỗ lực, và kết quả đã không phụ công chàng trai trẻ, ngoài những suất học bổng của trường cậu sinh viên ấy còn nhận được rất nhiều học bổng của Báo Hà Nội mới, của tổ chức Anh…

Khi kể về ước mơ lớn nhất, Trường nở nụ cười chia sẻ chân thành: “Ước mơ lớn nhất của em bây giờ là sau khi ra trường sẻ mở được một công ty, trong đó đa phần những người làm việc sẽ là những người khuyết tật. Em muốn mọi người nhìn thấy được khả năng của họ. Họ có thể làm được tất cả những gì mà họ mong muốn, đam mê, cũng như bản thân em luôn mong muốn làm những điều thiết thực nhất, niềm đam mê phải bắt đầu từ những suy nghĩ và hành động thiết thực. Và em nghĩ rằng thành công mà em muốn mang lại còn dài ở chặng đường phía trước, vì vậy cần cố gắng nhiều hơn nữa".

Tác giả bài viết: GDVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây