Trường THCS Đặng Thai Mai - TP. Vinh - Nghệ An

https://thcs-dangthaimai-tpvinh.edu.vn


Hội thảo "Đạo đức nhà giáo" (1)

Quan niệm về đạo đức. Đạo đức nhà giáo xưa và nay. Những vấn đề xã hội đang quan tâm về đạo đức nhà giáo.
I. Đặt vấn đề:  

     Tổ chức hội thảo để làm gì ?

Đạo đức nhà giáo – Một vấn đề rất gần gũi nhưng cũng rất xa. Gần vì đó là cái cơ hữu của mỗi giáo viên chúng ta. Gần vì nó được xã hội và bản thân chúng ta nhắc đến thường xuyên. Xa vì không ai cắt nghĩa một cách rõ ràng, đầy đủ nó là cái gì. Mỗi người hiểu đạo đức nhà giáo theo một cách, theo cái riêng cụ thể và không phải ai cũng giống nhau, thậm chí khác xa nhau về một số khía cạnh. Về cùng một sự kiện việc đánh giá đúng, sai của mỗi người không giống nhau. Về cùng một vấn đề, cách giải quyết của mỗi người cũng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Bàn về đạo đức nhà giáo là vấn đề khó, với các biểu hiện cụ thể, ai cũng có thể tham gia ý kiến nhưng chưa hẳn đã thống nhất. Bàn sâu vấn đề có khi lại đụng chạm đến quan niệm sống rất khác nhau vốn đã thành cố hữu của mỗi người nên nhiều người ngại bàn. Do quan niệm không đồng nhất mà cách hành xử cũng có nhiều chỗ khác nhau. Cùng một sự việc, giáo viên A hành xử theo cách này, giáo viên B lại xử theo cách khác và cho rằng cách xử của A là chưa phù hợp, chưa đúng với đạo đức nhà giáo. Xã hội luôn vận động, phát triển. Xã hội vốn tồn tại trong sự đa dạng, nhưng sự thiếu thống nhất trong nhận thức các vấn đề cơ bản, sự khác nhau nhiều trong quan niệm, cách hành xử, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của đơn vị.

Đạo đức nhà giáo có vai trò như thế nào trong hoạt động giáo dục ?

Tục ngữ:  Gia đình: “Cha nào con nấy”.  Nhà trường: Thầy nào trò nấy”

  Đạo đức nhà giáo là tấm gương, là cái mẫu, góp phần rất quan trọng để hình thành đạo đức, nhân cách học sinh trên cả 3 phương diện: nhận thức, thái độ-tình cảm và hành vi.

  * Nếu thầy cô giáo nhiều lần phát biểu quan điểm lạc hậu về đạo đức, thờ ơ trước các biểu hiện vi phạm đạo đức, quân phiệt hay chửi mắng, dùng ngôn từ cay độc khi giao tiếp học sinh thì sẽ góp phần tạo ra một thế hệ có nhiều học sinh có quan niệm lệch lạc về chuẩn mực quan hệ giữa con người với nhau, sống ích kỉ, thiếu dân chủ, xem thường, cạnh khoé, cay độc với người khác.

  * Nếu thầy cô giáo thường nêu các chuẩn mực về đạo đức, hoan nghênh ủng hộ các hành vi đẹp, đau xót, phản đối trước các biểu hiện vi phạm đạo đức, tôn trọng học sinh, ôn tồn, kiên quyết nhưng nhẹ nhàng khi giao tiếp học sinh thì sẽ góp phần tạo ra một thế hệ có nhiều học sinh có quan niệm đúng về chuẩn mực quan hệ giữa con người với nhau, sống hoà mình, dân chủ, tôn trọng người khác, sẵn lòng giúp người khác sửa mình, tiến bộ.

Hưởng ứng cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD&ĐT phát động, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Nhà trường và Công đoàn tổ chức toạ đàm – hội thảo chuyên đề “Đạo đức nhà giáo” với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức, làm cho quan niệm, cách hành xử của mỗi người chúng ta xích lại gần nhau hơn, cùng hướng về cái chung, giúp nhà trường hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh. Rất mong được sự hưởng ứng của các đồng chí cán bộ, giáo viên.

 

II. Đạo đức. Nhà giáo. Đạo đức nhà giáo xưa và nay.

1.     Đạo đức là gì ? Đạo đức của con người thể hiện ở những khía cạnh nào ?

+ Đạo đức là một phạm trù phản ánh quan hệ xã hội giữa con người với nhau, với công việc, là một hệ thống các chuẩn mực về quan niệm, thái độ, hành vi quan hệ qua lại giữa con người với con người.

+ Đạo đức của con người thể hiện ở các phương diện:

- Quan niệm hay hệ thống chuẩn mực quan hệ mà người đó đang có.

- Thái độ, tình cảm của người đó trước các sự kiện đạo đức xảy ra.

- Hành vi ứng xử của người đó với người khác trong quan hệ thực tế.

Ngay trong mỗi con người 3 phương diện này cũng có lúc không hoàn toàn thống nhất.

 

2. Nhà giáo là ai ? Đạo đức nhà giáo là gì ? Thể hiện trên những phương diện nào ?

+ Nhà giáo là người làm nghề giáo dục, đào tạo.

+ Đạo đức nhà giáo là phạm trù phản ánh quan hệ giữa nhà giáo với công việc dạy học-giáo dục, với học sinh, với đồng nghiệp, với phụ huynh và các đối tượng khác có liên quan.

+ Đạo đức của nhà giáo thể hiện ở các phương diện:

- Quan niệm hay hệ thống chuẩn mực quan hệ mà chính giáo viên đó đang có.

- Thái độ, tình cảm của giáo viên đó trước các sự kiện đạo đức xảy ra.

- Hành vi ứng xử của giáo viên đó với người khác trong quan hệ thực tế.

+ Đạo đức của nhà giáo thể hiện ở các quan hệ:

- Với công việc dạy học, giáo dục mà nhà nước giao cho.

- Với học sinh - đối tượng quan trọng số 1 trong quan hệ nhà giáo.

- Với đồng nghiệp - đối tượng quan trọng số 2.

- Với phụ huynh.

- Với các thành viên trong gia đình mình.

- Với xóm giềng, địa phương.

3. Nhà giáo xưa và nay.  Đạo đức nhà giáo xưa và nay.

+ Tại sao nhà giáo phải tự thay đổi, phát triển  ?

Khoa học, kĩ thuật, kinh tế phát triển sẽ kéo theo sự thay đổi về xã hội và tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong hoạt động giáo dục cũng như vai trò, vị trí của nhà giáo. Khoa học, kĩ thuật phát triển đem lại cho giáo dục những cách làm mới cùng với các phương tiện hiện đại.  Sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi giáo dục phải điều chỉnh mục tiêu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng ngày càng cao của sản xuất. Theo đó, dĩ nhiên là nhà giáo cũng phải tự học tập nâng cao, điều chỉnh cách làm, điều chỉnh quan hệ cho phù hợp để đáp ứng được yêu cầu của thực tế nghề giáo.

+ Tri thức,  sự học và vai trò, vị trí của nhà giáo ngày nay có gì khác xưa ?  

Dễ thấy:

- Ngày nay tri thức rất nhiều, phát triển rất nhanh => Không ai có thể biết hết mọi khoa học, uyên bác mọi lĩnh vực.  Người hiểu biết và uyên bác được nhiều lĩnh vực không có nhiều. Mỗi người chỉ có thể làm thầy về một lĩnh vực, thậm chí một chuyên ngành hẹp và chỉ là học trò về các vấn đề khác. Nhà giáo chỉ có thể là thầy trong lĩnh vực giáo dục, rất có thể là học trò trên nhiều lĩnh vực khác. Bản thân mỗi nhà giáo khi đã được xã hội chào thầy rồi, mà không tự học, tự bổ sung thì cũng sẽ lạc hậu, có thể còn là thầy về kiến thức khoa học cơ bản, phổ thông, nhưng cách làm không còn phù hợp với yêu cầu mới của nghề, lạc hậu về hiểu biết xã hội, không đáp ứng yêu cầu của xã hội phát triển. 

- Sự học ngày nay cũng khác ngày xưa rất nhiều. Nền sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội đòi hỏi hàm lượng khoa học ngày càng cao, quy trình công nghệ thay đổi rất nhanh yêu cầu người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng, để tồn tại. Điều đó dẫn đến xu thế Học suốt đời  => Thầy trong trường phổ thông nói riêng, trong nhà trường nói chung chỉ mới đáp ứng cái nền tảng ban đầu. Người ta còn phải học rất nhiều thầy trong đời sống và sản xuất. Ngày nay, học trò nói riêng, người học nói chung có thể học thông qua rất nhiều cách thức, phương tiện khác ngoài nhà trường: sách tham khảo, tài liệu, tivi, mạng Internet, …. Tóm lại: ngày nay nhiều tri thức, nhiều cách học, nhiều thầy.

- Tri thức, sự học đã vậy thì tất yếu thầy cô giáo trong nhà trường không còn vị trí độc tôn.

  + Tại sao ngày xưa các nhà giáo được trọng vọng ? (lí do khách quan)

-   Thầy là nguồn tri thức duy nhất không những của trò mà của dân cả một vùng.

-   Người có học, thi thố đỗ đạt một lần thì quyền lợi hơn hẳn người vô học về mọi mặt.

-   Thầy buộc phải và tự vươn để có hiểu biết toàn diện và sâu sắc, nhất là kiến thức xã hội.

-   Tất cả các thầy rất giữ gìn phẩm chất, nhân cách, trọng nghề, trọng cái đạo rèn người.

  + “Sự trọng vọng nhà giáo ngày nay  không còn được như trong các câu chuyện kể  ngày xưa” . Đúng hay không đúng ? Tại sao ? (lí do khách quan)

  Những thầy cô giáo giỏi, nhân cách đẹp, đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục vẫn được trọng vọng. Xét về số lượng thì ngày nay số thầy nổi tiếng nhiều hơn trước. Tuy vậy, nhận xét trên vẫn đúng với khá nhiều thầy cô giáo vì các lí do rất khách quan sau đây:

-   Thầy cô giáo nhiều,  mỗi thầy cô giáo chỉ là thầy ở một lĩnh vực hẹp, một giai đoạn.

-   Mọi người đều có điều kiện học tập và phải thực học suốt đời mới tồn tại, thành đạt.

-   Thầy không phải là nguồn tri thức duy nhất. 

-   Một số thầy cô chỉ có kiến thức chuyên môn hẹp, hiểu biết xã hội rất hạn chế.

-   Cá biệt có những thầy cô kém về trí tuệ, nhân cách làm rầu nghề giáo.

  + Có cái gì quan trọng bất biến của nghề ? Thầy cô giáo làm gì để vẫn được trọng vọng ?

- Nghề giáo là gì ? Cái đạo của nhà giáo là gì ? Là tạo khả năng phát triển tương lai cho trò.

  Trường phổ thông, thầy cô giáo phổ thông làm nhiệm vụ đặt nền móng ban đầu toàn diện cho con người về tri thức, nhân cách. Theo yêu cầu của kinh tế-xã hội hiện đại, để làm được điều đó thì yêu cầu dạy học-giáo dục mà người thầy phải làm được là:

-   Không chỉ dạy kiến thức mà phải tạo tiềm năng phát triển tương lai cho học sinh. Việc dạy kiến thức cụ thể như là đặt từng viên gạch. Nhà giáo phải hướng tới hình ảnh của một ngôi nhà đẹp trong tương lại để đặt mỗi viên gạch cho đúng, cho hợp lí. 

-   Không phải truyền thụ tri thức mà phải là hướng dẫn trò tiếp cận, chiếm lĩnh tri thức.

-   Thầy phải chuẩn bị cho học sinh tâm thế và các kĩ năng cần thiết để học suốt đời.

-   Thầy phải sâu về một lĩnh vực, vươn lên có hiểu biết toàn diện, nhất là kiến thức xã hội.

-   Thầy phải giữ gìn, tu dưỡng, rèn luyệnrất phẩm chất, nhân cách để làm gương. Thầy phải có những yêu cầu rất cơ bản làm khuôn mẫu về nhân cách (tâm, đức, trí)

  Đáp ứng được các yêu cầu đó chính là thực hiện cái đạo nhà giáo, đó cũng chính là trọng tâm thực hành cái đức của nhà giáo.

  Cái sẽ đọng lại trong học trò về sau về người thầy là gì ?
 
Đó là nhân cách người thầy: tri thức, thái độ, cách hành xử; những bài học định hướng giúp con người nhìn nhận đầy đủ, phát ngôn chuẩn mực, hành động đúng đắn. Đó là cái học sinh cần ở chúng ta, cũng là cái để học sinh nhớ về, trọng vọng mỗi thầy cô giáo. Ta làm tốt được những điều đó, ta đáp ứng được cái mà xã hội cần ở chúng ta, cái mà tương lai học trò không thể thiếu trong hành trang cuộc đời thì ta vẫn sẽ được học trò nhớ mãi, được học trò trọng vọng.

Tác giả bài viết: TS. Võ Hoàng Ngọc - Hiệu trưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây